ƯU, NHƯỢC ĐIỂM ĐƯỜNG UỐNG VÀ THỜI ĐIỂM DÙNG THUỐC

09:13:00 23/06/2014

 

Ưu, nhược điểm đường uống thuốc

Ưu điểm đường uống: Tiện lợi, kinh tế và an toàn nhất.

Nhược điểm đường uống: Là sự hấp thu gián tiếp phụ thuộc nhiều yếu tố, nên tốc độ hấp thu chậm không được dùng khi khẩn cấp (cấp cứu). Thuốc bị phá hủy mất tác dụng bởi pH dịch vị (như Benzylpenicilin) các enzym tiêu hóa (các thuốc loại protid như Insulin, Hormon tiền thùy). Các dược phẩm bị hủy hoại ở gan cũng như được dùng đường uống (Glyceryl trinitrat, Steroid thiên nhiên, Desipramin, Morphin, Propranolol, Lidocain, Verapamil) hoặc các thuốc ít tan trong lipid không hấp thu qua ruột (Streptomycin, Kanamycin, Oubain ...). Các thuốc bị hủy hoại ở gan muốn dùng đường uống phải tăng liều như liều uống Propranolol để trị loạn nhịp tim là 40-80 mg/ngày, còn liều tiêm IV là 0,5-1 mg mỗi 3-5 phút. Không dùng đường uống đối với thuốc có mùi vị khó chịu, gây kích ứng hoặc bệnh nhân trong trường hợp nôn ói, bất tỉnh.

Thời điểm dùng thuốc

Thời điểm uống thuốc trong  ngày: Thuốc ngủ uống vào buổi tối trước khi đi ngủ, thuốc lợi tiểu uống vào buổi sáng, Glucocorticoid uống vào khoảng 7 đến 8 giờ sáng để giữ nhịp sinh lý bình thường tránh ức chế võ thượng thận

Uống thuốc lúc bụng no hay bụng đói, lúc nào tùy ý:

Uống thuốc lúc bụng no:

Thuốc tăng hấp thu nhờ thức ăn: Carbamazepin, Chlorothiazid, Diazepam, Dicoumarol, Griseofulvin, Labetalol, Metoprolol, Propranolol, Nitrofuratoin.

Các thuốc kích thích bài tiết dịch tiêu hóa như các loại rượu bổ khai vị, thuốc thay thế men tiêu hóa, thuốc nhuận lợi gan mật nên uống trước khi ăn 10-15 phút.

Thuốc kích ứng đường tiêu hóa: Doxycyclin, Corticoid thuốc chống viêm không steroid (Aspirin), thuốc tiểu đường (Metformin).

Các thuốc hấp thu quá nhanh lúc đói có thể dẫn đến tăng tác dụng phụ vì tăng nồng độ trong máu đột ngột như Levodopa, Levamisol, Diazepam.

Uống thuốc cách xa bữa ăn (lúc bụng đói):

Các thuốc bị giảm hấp thu hoặc bị chậm hấp thu bởi thức ăn:

Ampicillin, Aspirin, Atenolol, Captoprim, Hydrochlorothiazid, Tetracyclin, Sắt, Levodopa, Sotalol, Clidamycin, Lincomycin, vì vậy chỉ nên uống thuốc này trước 1 giờ hoặc 2 giờ sau bữa ăn.

Các thuốc bị chậm hấp thu do thức ăn: Acetaminophen, Aspirin, Cephalosporin, Diclofenac, Digoxin, Furocemid, Valproat.

Các thuốc cần giảm thời gian lưu lại ở dạ dày như thuốc phóng thích chậm, viên bao tan ở ruột, các thuốc kém bền trong môi trường acid dịch vị.

Các thuốc cần có tác dụng đặc biệt như:

Nên uống Sucralfat 1 giờ trước khi ăn để kịp tạo màng bao phủ dạ dày và tránh dùng Antacid hoặc kháng histamin H2 (Cimetidin, Ranitidin, Famotidin, Nizatidin) 30 phút trước hoặc sau khi uống Sucralfat vì thuốc này có tác dụng trong môi trường acid.

Nên uống thuốc ức chế bơm proton (Esomeprazol, Lanzoprazol, Omeprazol, Pantoprazol, Rabeprazol) sáng sớm lúc bụng đói hoặc 30 phút sau khi ăn sáng để thức ăn kích thích bơm proton hoạt động thuốc mới phát huy tác dụng ức chế.

Nên uống Antacid 1 giờ sau bữa ăn để tránh giảm acid trong bữa ăn và cản trở tiêu hóa. Nếu uống Antacid trước thì 2 giờ sau mới uống thuốc khác, nếu uống thuốc khác trước thì 1 giờ sau mới uống Antacid. (Phosphalugel, Malox, Gumat, Varogel, Fumarat, Mytolan, Siloxogel...)

Thuốc nhuận tràng: Nếu thay đổi kiểu sống không giải quyết được táo bón thì sử dụng thuốc nhuận tràng tạo khối. Có thể sử dụng thuốc nhuận tràng tạo khối hàng ngày và liên tục ở hầu hết bệnh nhân, đặc biệt những người bị táo bón mạn tính. Ngoài ra có thể sử dụng glycerin đặt hậu môn. Nếu không hiệu quả có thể dùng đến Diphenylmethan hoặc dẫn xuất Anthraquinon liều thấp hoặc muối nhuận tràng (sữa magie).

Uống thuốc lúc nào tùy ý:

Là thuốc không bị giảm hoặc chậm hấp thu do thức ăn. Với các thuốc làm chậm hấp thu nếu có gây kích ứng dạ dày thì dùng vào bữa ăn còn nếu muốn có tác dụng nhanh thì dùng xa bữa ăn (như Aspirin). Thuốc nên uống giữa bữa ăn như thuốc bồi dưỡng, các vitamin phối hợp.